-

Monday, December 26, 2011

KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH

-

Sáu Kinh Nghiệm Đắt Giá 

Cho Người Mới Bắt Đầu Học Tiếng Anh

 

Với những người mới bắt đầu học tiếng Anh, những kiến thức dường như vô tận, quá nhiều cơ sở đào tạo, vô số website trên internet,… khiến họ lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Ngoài việc chọn được chương trình học phù hợp với mình, hãy chú ý đến những lời khuyên sau đây để quá trình học tiếng Anh của bạn đạt hiệu quả và nhanh chóng nhất.

 

1) Học từ vựng trong những văn cảnh và cụm từ cụ thể

Tôi còn nhớ khi tôi lớp 4, bắt đầu học tiếng Anh, những bài học đầu tiên mà tôi học là: a book, a ball, a bag, a cat, an apple, an orange. Chưa nói đến việc phát âm theo kiểu “ơ búc, ơ bôn, ơ béc” – một kiểu phát âm không phải tiếng Anh – những học sinh như tôi chẳng hiểu phải dùng những từ này như thế nào. Chúng tôi không hề hình dung được nó sẽ xuất hiện trong những câu nói trong đời sống thực như thế nào.

Khi học từ vựng, hãy học chúng trong một văn cảnh cụ thể, trong một câu hay một cụm từ ngắn gọn. Chẳng hạn, thay vì học riêng lẻ từ “to run” hoặc viết trong vở thật nhiều lần “to run – chạy, to write – viết”, chúng ta hãy học câu đơn giản “I am running” hay “I am writing” – đó mới là cách chúng ta sử dụng từ vựng trong giao tiếp thực tế.

 

2) Học từ vựng online hiệu quả

Không bao giờ cố dịch từng từ (word-by-word) sang tiếng Việt Trước tiên, việc chúng ta cố dịch những gì chúng ta nghe sang tiếng Việt sẽ làm chậm việc xử lý thông tin trong khi giao tiếp. Đó không phải là học tiếng Anh mà là học biên dịch.

Khi nghe tiếng Anh, hãy chú ý vào những từ mà chúng ta đã hiểu, đồng thời dựa vào văn cảnh để nắm được ý của câu.

Những người mới học thường có tâm lý phải dịch từng từ sang tiếng Việt để đảm bảo mình hiểu đúng, nói đúng. Ban đầu, việc này sẽ khiến chúng ta yên tâm hơn, nhưng sau này khi học được nhiều, bắt đầu cần nói/viết tiếng Anh nhanh hơn, thói quen dịch tất cả sang tiếng Việt sẽ khiến chúng ta giao tiếp chậm chạp, cản trở kỹ năng “suy nghĩ bằng tiếng Anh”.

Trong những trường hợp mà câu tiếng Anh nhiều từ vựng mới, chúng ta không thể hiểu được ý nghĩa bằng tiếng Anh, nhất là đối với những người mới bắt đầu học, hãy hỏi nghĩa của cả câu chứ đừng dịch ý nghĩa của từng từ một. Ví dụ, hãy dịch câu “I am running” sang tiếng Việt chứ đừng hỏi từng từ có nghĩa gì.

 

3) Đừng tránh né việc nói tiếng Anh

 Khi mới bắt đầu học tiếng Anh, do kiến thức còn chưa nhiều nên chúng ta thường e ngại, tránh né việc nói tiếng Anh. Đừng bao giờ nói “I DON’T speak English” mà thay vào đó, hãy thử nói: “I am learning English. Could you speak a little slower?” “I’m sorry, I didn’t understand.” “Could you repeat that?”

Người đối diện sẽ hiểu rằng chúng ta đang rèn luyện và đang cố gắng nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình. Sẽ không ai chê cười cả, chắc chắn mọi người sẽ rất mở lòng, tạo điều kiện giúp chúng ta. Đừng sợ mắc lỗi khi nói. Đừng sợ người khác lấy mình làm trò cười. Không ai sinh ra đã giỏi tiếng Anh, dù là những người bản xứ, họ cũng phải học. Chỉ những người chịu học hỏi và dám thực hành thì mới tiến bộ được.

 

4) Luôn mang theo 1 cuốn sổ nhỏ để ghi những cụm từ quan trọng.

Hãy ghi lại bất kỳ cụm từ nào mà chúng ta mới học, hoặc là những cụm từ mà chúng ta chưa hiểu lắm, cần tra cứu thêm, hoặc là cụm từ mà chúng ta thấy thú vị, muốn sử dụng nhiều lần nữa.

Hãy nhớ là nên ghi lại cả cụm từ chứ không nên ghi một từ riêng rẽ.

Ví dụ, hãy ghi lại cụm từ “scour the web” chứ không nên chỉ ghi lại từ “scour” bởi chúng ta sẽ không nhớ ra cách dùng nó sau này.

 

5) Phải học “chuẩn” từ khi mới bắt đầu học Đừng nghĩ rằng bây giờ chúng ta đang mới bắt đầu học, chỉ cần học sao cho hiểu là được, chưa cần nói “chuẩn” hay viết “chuẩn”, sau này sẽ điều chỉnh, nâng cao sau. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Chúng ta cần phải “chuẩn” ngay từ đầu. Đừng nghĩ việc sửa lại phát âm hay sửa lại cách viết sai là dễ. Ngay khi nói/viết tiếng Việt, những người nói hay viết sai chính tả cũng phải rất vất vả để sửa lỗi.

 

6) Hãy luôn nhớ mục tiêu của mình

Những khi thấy việc học tiếng Anh thật khó khăn, những khi thấy nản lòng, hãy nhớ tới mục tiêu, nguyên nhân đã khiến chúng ta quyết tâm học tiếng Anh.

Chẳng hạn, chúng ta quyết tâm học tiếng Anh tốt để có thể theo học tại các trường Quốc tế, chúng ta muốn đi du học, chúng ta muốn đi du lịch vào mùa hè năm sau,… Việc nhớ lại mục tiêu sẽ khiến chúng ta có quyết tâm hơn để vượt qua những khó khăn trước mắt. Phải nỗ lực mới thành công. Nhưng hãy nỗ lực một cách đúng hướng.

 

Nguồn:  https://tuhoctienganhhieuqua.com/6-kinh-nghiem-moi-bat-dau-hoc-tieng-anh/


READ MORE - KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG ANH